Nạn bắt cóc ở "tam giác tử thần" châu Phi_ltd bd anh

Nạn bắt cóc ở "tam giác tử thần" châu Phi

CTVCTV

(Dân trí) - Ở vùng Mayo-Kebbi Ouest, phía tây nam Chad, thanh niên trẻ ở đây đã thành lập các nhóm tự vệ để chống nạn bắt cóc hoành hành.

Nạn bắt cóc ở tam giác tử thần châu Phi - 1

Ông Amos Nangyo (giữa) dẫn đầu nhóm tình nguyện chống nạn bắt cóc ở Pala, Chad (Ảnh: AFP).

"Chúng tôi dẫn đường cho cảnh sát qua các khu rừng, nhưng chúng tôi mới là người đầu tiên truy bắt tội phạm sau mỗi vụ bắt cóc", Amos Nangyo, một trưởng nhóm ở Pala, thủ phủ vùng Mayo-Kebbi Ouest, giáp biên giới Cameroon, chia sẻ. 

Trong những năm qua, khu vực biên giới Burkina Faso, Mali và Niger liên tục xảy ra xung đột. Trong đó, một khu vực được xem là "tam giác tử thần": kéo dài từ Mayo-Kebbi Ouest và Logone Oriental ở Chad đến vùng Bắc Cameroon và Lim-Pendé ở Cộng hòa Trung Phi. 

Dữ liệu chính thức về "tam giác tử thần" rất khan hiếm. Bên cạnh đó, nhiều người không báo cáo các vụ việc vì sợ bị trả thù. 

Chính quyền địa phương cho biết, tiền chuộc trả ở khu vực này đã lên đến 43 triệu franc CFA (khoảng 70.000 USD) vào năm 2022 và tăng lên 52,4 triệu franc CFA (khoảng 87.000 USD) vào năm 2023. 

Tình hình bất ổn đã kéo theo các vấn đề xã hội khác như buôn bán vũ khí quy mô nhỏ, cướp bóc và buôn bán chất cấm. Theo các chuyên gia, nguyên nhân của các vụ bắt cóc là vì lợi ích kinh tế, không phải hận thù hay xung đột tôn giáo. 

Theo một báo cáo gần đây của tổ chức Sáng kiến Toàn cầu, người dân ở phía bắc Cameroon đã bỏ ra khoảng 86 triệu franc CFA (hơn 140.000 USD) tiền chuộc trong 6 vụ bắt cóc từ tháng 2 đến tháng 5 năm ngoái.

Remadji Hoinathy, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu An ninh khu vực cho biết,  "những yếu tố địa lí và con người" của khu vực này đã dẫn đến sự hoành hành của các nhóm vũ trang và tâm điểm của nạn bắt cóc.  

"Nhiều người ở Chad đã lớn lên cùng những cuộc nổi loạn và làm quen với vũ khí. Họ tìm cách sống bằng súng ... họ có thể trở thành một phiến quân chống lại quân đội, hoặc làm lính đánh thuê, kẻ bắt cóc, tội phạm", ông Remadji nói. 

Vào tháng 10/2023, các quan chức từ Cameroon và Chad đã gặp nhau ở Yaoundé để thảo luận về hợp tác song phương nhằm giải quyết tình hình tội phạm xuyên biên giới. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng cần phải có thêm hành động quyết liệt hơn để phá vỡ các mạng lưới tội phạm, bao gồm cả hợp tác khu vực có cấu trúc để tăng cường an ninh và tuần tra các khu vực rừng rậm phức tạp. 

Nạn bắt cóc đáng báo động tạo nên nỗi sợ hãi cho nông dân, khiến họ không dám làm việc, và ảnh hưởng đến hoạt động đi lại, lưu thông hàng hóa. Điều đó có thể gây ra "những tác động tiêu cực đến kinh tế toàn khu vực", theo một báo cáo của Global Initiative.

Trong lúc đó, các nhóm tự vệ địa phương vẫn cảnh giác để bảo vệ gia đình và cộng đồng của họ. "Đây là công việc tình nguyện nguy hiểm và chúng tôi hy vọng chính quyền sẽ có những phương án phù hợp để giúp đỡ chúng tôi," trưởng nhóm Nangyo nói. 

Thùy Linh 

Theo Guardian