Vợ chồng ngoài 70 tuổi vượt hàng chục km đến hội Lim hát quan họ_soi kèo werder bremen
Ngày 22/2 (13 tháng Giêng), hàng vạn du khách thập phương nô nức trẩy hội Lim (huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) để thưởng thức những làn điệu dân ca quan họ của xứ Kinh Bắc xưa.
Dù có mưa nhỏ, không khí vui chơi tại đây vẫn rất náo nhiệt.
Như thường lệ, ban tổ chức dựng các lán hát quan họ và một sân khấu chính do các nghệ nhân, liền anh, liền chị tham gia biểu diễn, giao lưu cùng du khách.
Nhiều du khách đến với hội Lim bất ngờ khi chứng kiến cặp vợ chồng hơn 70 tuổi từ Bắc Giang đến Bắc Ninh để hát quan họ. Dù không phải nghệ sĩ chuyên nghiệp, họ vẫn thể hiện rất ăn ý.
Đó là ông Dương Đức Chính (75 tuổi) và bà Nguyễn Thị Giang (72 tuổi) ở huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang. Ông Chính cho biết, vợ chồng đăng ký hát ở tất cả 12 lán hát quan họ để đem những tiết mục văn nghệ ngày xuân đến mọi người. Tại mỗi lán, họ ủng hộ từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng.
Ông Chính chia sẻ, hai vợ chồng làm nông và rất mê hát quan họ. Đây là năm thứ tư liên tiếp ông và bà đến hội Lim để hát quan họ. "Thường ngày, chúng tôi cũng rất hay hát cùng nhau, thậm chí trước khi đi ngủ cũng hát. Được biểu diễn trước đám đông và được mọi người cổ vũ khiến tôi rất phấn khởi", ông Chính vui vẻ.
Dân ca Quan họ Bắc Ninh là một hình thức hát giao duyên độc đáo giữa các liền anh liền chị, và là một trong những làn điệu dân ca tiêu biểu của vùng châu thổ sông Hồng, được nhiều người ưa thích.
Những liền anh trong trang phục truyền thống khăn xếp, áo the và những liền chị duyên dáng trong bộ áo mớ ba, mớ bẩy, đầu đội nón thúng quai thao, cùng nhau hát đối những câu ca mộc mạc, đằm thắm, cách hát theo lối truyền thống không cần nhạc đệm mà vẫn đầy chất nhạc, thể hiện nét văn hóa tinh tế của người hát quan họ.
Sau khi được mời trầu và nghe hát quan họ, vợ chồng chị Nguyễn Thị Thanh (Bắc Giang) đã 'thưởng' cho các liền anh, liền chị một số tiền. "Đây là chuyện hết sức bình thường. Được nghe hát, thấy hay mình tự nguyện cho họ tiền", chị nói.
Ngửa nón xin tiền ở hội Lim, chuyện biết rồi khổ lắm nói mãiNghệ sĩ ưu tú Xuân Mùi, nguyên Phó Giám đốc Nhà hát Dân ca quan họ Bắc Ninh chia sẻ về tình trạng “ngửa nón xin tiền” tại hội Lim.
Theo ông Mùi việc thưởng tiền cho những người hát quan họ không phải là mới mà là mỹ tục đã có truyền thống từ lâu trong văn hóa dân gian của người Việt.
“Một người lao động nghệ thuật, một người 'thướng' (từ ngữ dân gian - gần đồng nghĩa với thưởng) tiền cũng là thể hiện tấm lòng của người yêu làn điệu dân ca quan họ. Nói câu ‘quan họ ngửa nón xin tiền’ ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh của người quan họ”, ông Mùi cho hay.
Liền chị Nguyễn Kim Thanh từ Câu lạc bộ quan họ xã Tri Phương, huyện Tiên Du cho biết, nhiều khi các du khách khi nghe hát thấy hay khi mời trầu thì "thướng" tiền, chúng tôi nhận để đáp lại lòng mến mộ của khách.
“Nếu không nhận, khách có thể nghĩ chúng tôi coi thường, không tôn trọng họ. Trường hợp quan họ hát, rồi tự nhiên ngửa nón ra để xin tiền là hình ảnh xấu và chắc chắn chúng tôi sẽ phản đối. Nếu du khách không mến mộ, không 'thưởng' tiền, chúng tôi vẫn hát cả ngày và phục vụ như thế”, chị Thanh khẳng định.